Với giá rẻ bằng một nửa so với hàng nội địa, thịt trâu Ấn Độ được rao bán nhiều trên các website và mạng xã hội. Chủ một website ở Hà Nội cho biết, vài năm trở lại đây thịt trâu nhập khẩu có giá rẻ một nửa so với hàng trong nước, nên cửa hàng này chuyển hẳn sang nhập thịt từ Ấn Độ. “Mỗi tháng tôi nhập hàng tấn thịt trâu Allana và được nhiều nhà hàng quán ăn Việt ưa chuộng.
Đặc biệt, các quán nhậu hay quán bít tết thường mua hàng thùng để về chế biến món ăn”, chủ cửa hàng này nói và cho biết thêm, hiện thịt trâu Ấn Độ nhập về đa phần là hàng đông lạnh với 3 loại: đùi, thăn, phi lê. Mỗi thùng thịt trâu đông lạnh nặng 18-20kg. Nếu khách hàng mua với số lượng lớn có thể được giảm thêm 5.000-10.000 đồng một thùng. Hiện, thịt trâu phi lê tại cửa hàng này bán với giá 165.000 đồng một kg, thịt đùi 135.000-140.000 đồng.
Một cửa hàng khác cho biết, loại thịt này khá mềm, mùi cũng không quá gây nên khi chế biến màu sắc và mùi vị không khác thịt bò là mấy. Do vậy, khá nhiều cửa hàng mua về chế biến. Giá thịt trâu phi lê tại cửa hàng của anh hiện là 140.000 đồng một kg, còn đùi là 130.000 đồng. “Đa phần thịt trâu nhập có giá khá tốt nên không chỉ các quán bình dân mà nhà hàng cũng đặt mua. Chúng tôi khi lấy hàng về thường được các cơ quan chức năng kiểm tra 100%. Sau đó, cửa hàng sẽ phân loại và phân phối theo đúng nhãn mác thịt trâu nhập khẩu. Còn việc khách hàng sử dụng với mục đích nào, cửa hàng rất khó kiểm soát”, anh Hoàng chia sẻ.
Trên website của một công ty chuyên phân phối thực phẩm sạch ở Đông Anh (Hà Nội), giá thịt trâu Ấn Độ dao động 75.000-140.000 đồng một kg. Trong khi thịt trâu Ấn Độ có giá khá rẻ thì hàng trong nước lại cao gấp đôi. Cụ thể, thịt đùi tại có giá trên 230.000 đồng một kg, thịt bắp 260.000 đồng, đối với những loại thịt xấu như nạm bụng, cổ có giá giao động từ 160.000 đến 180.000 đồng một kg.
Giải thích về việc thị trâu Ấn Độ rẻ bằng một nửa so với thịt bò và thịt trâu Việt, nhiều chủ cửa hàng cho biết, thịt trâu nhập hàng dồi dào, lại không phải chịu thuế giá trị gia tăng nên có được mức giá hấp dẫn. Khi hỏi về chất lượng sản phẩm thì hầu hết giới bán buôn đều cho biết sản phẩm được kiểm định "khắt khe" nên thịt tươi và thơm ngon. Tuy nhiên, khi bán cho các cơ sở nhỏ lẻ thì nhiều nơi muốn lãi cao đã tẩm thêm hóa chất biến trâu thành bò, nên khi mua người tiêu dùng cần cẩn trọng. Do đó, trên thị trường mặc dù thịt trâu được nhập với số lượng lớn nhưng hầu như tại các siêu thị, chợ, cửa hàng rất ít khi treo biển bán thịt trâu, mà chỉ đa phần hàng bán trên online.
Theo một lãnh đạo Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, thịt trâu Ấn Độ có giá rẻ, một phần là do quốc gia này nuôi với số lượng lớn, trong khi người dân bản địa lại ít ăn, nên hàng xuất đi nhiều. Còn tại Việt Nam, lượng thịt trâu, thịt bò trong nước cung không đủ cầu, buộc phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó, thịt trâu đa phần là từ Ấn Độ. Trao đổi với VnExpress, ông Bạch Đức Lữu, Giám đốc Cơ quan Thú y Vùng VI cho biết, bất cứ lô hàng nhập nào về Việt Nam đều được kiểm tra gắt gao. Với thịt trâu Ấn Độ, sản phẩm này được kiểm tra 100%. Tuy nhiên, khi ra đến chợ nhiều lô hàng thịt trâu đã biến tướng và gắn mác thịt bò rất khó phát hiện dù đã kiểm tra kỹ lưỡng. "7 tháng đầu năm, lượng thịt trâu nhập được cơ quan vùng IV kiểm tra là 23.000 tấn, trong đó, thịt trâu Ấn Độ chiếm đa số", ông Lữu nói. Năm ngoái thịt trâu nhập vào Việt Nam được thú y vùng IV (chưa tính cả nước) kiểm tra đạt 35.000 tấn. Trung bình mỗi tháng lượng hàng nhập đạt 2.918 tấn, trong khi đó, 7 tháng đầu năm nay, bình quân mỗi tháng đạt 3.285 tấn. Trước đó, năm 2014, cả nước nhập về chỉ 26.000 tấn.